Và Google đã âm thầm ám hại Firefox ngay cả khi phương châm “Don’t be Evil” vẫn nằm trong từ điển của họ.
Cựu giám đốc điều hành cấp cao của Mozilla lên tiếng cáo buộc Google cố tình phá hoại Firefox một cách có hệ thống trong cả thập kỷ qua để thúc đẩy sự phổ biến của Google Chrome.
Trong 8 tháng qua, ông cũng không phải thành viên đầu tiên của Firefox đưa ra các cáo buộc như vậy. Tuy nhiên lập luận của ông không chỉ nhằm vào các sự kiện hiện tại mà còn tố cáo Google đã thực hiện một kế hoạch có tổ chức liên quan đến việc đưa các lỗi nhỏ vào các trang web của mình, và chúng chỉ xuất hiện đối với người dùng Firefox.
Hết cái oops này đến cái oops khác
Johnathan Nightingale, cựu Tổng giám đốc và Phó chủ tịch về Firefox tại Mozilla, đã mô tả những vấn đề này bằng từ “oops”.
Trong một thread trên Twitter, ông Nightingale nhớ lại: “Khi tôi bắt đầu làm việc tại Mozilla vào năm 2007, lúc đó không có Google Chrome và hầu hết những người ở trong Google mà chúng tôi nói chuyện đều là fan của Firefox.”
“Khi Chrome ra mắt, mọi thứ trở nên phức tạp, nhưng không phải theo cách bạn nghĩ đâu. Họ đã có một sản phẩm cạnh tranh với chúng tôi, nhưng họ không cắt đứt mối quan hệ, hay phá vỡ các thỏa thuận tìm kiếm – không có gì giống như vậy. Trên thực tế, câu chuyện mà chúng tôi vẫn đang nghe là: “Chúng ta ở cùng phía với nhau. Chúng ta cùng muốn những thứ giống nhau.” Cựu giám đốc Mozilla cho biết.
“Tôi nghĩ những người trong Google mà chúng tôi quen thực sự tin vào điều đó. Ở cấp độ cá nhân, các kỹ sư của họ quan tâm về hầu hết những thứ tương tự như chúng tôi đã làm. Các sản phẩm và thiết kế của họ được làm với nhiều quyết định tương tự như chúng tôi, và chúng tôi đã học hỏi được từ việc quan sát lẫn nhau.”
“Nhưng toàn bộ Google lại rất khác so với mỗi cá nhân trong đó.” Ông Nightingale cho biết.
“Quảng cáo của Google Chrome bắt đầu xuất hiện bên cạnh các từ khóa tìm kiếm Firefox. Gmail và Google Docs bắt đầu gặp phải các vấn đề về hiệu năng và lỗi trên Firefox. Các trang demo thường chặn nhầm Firefox do lỗi “không tương thích”.” Ông cho biết.
“Tất nhiên, đây đều là những điều các bạn được phép làm để cạnh tranh. Nhưng chúng tôi vẫn là một đối tác tìm kiếm, vì vậy chúng tôi đã nói với họ “Này có chuyện gì thế?” Và lần nào cũng vậy, họ lại nói, oops. Đó là một tai nạn thôi. Chúng tôi sẽ sửa nó trong lần ra mắt tới vào hai tuần nữa nhé.”
“Hết lần này đến lần khác. Oops. Một tai nạn khác thôi. Chúng tôi sẽ sửa nó ngay đây. Chúng ta cùng muốn những thứ này mà. Chúng ta vẫn ở cùng một đội mà. Có đến hàng chục lần oops như vậy. Có lẽ đến hàng trăm lần chứ nhỉ?”
“Tôi rất muốn tin rằng không có sự ác ý nào ở đây khi chúng có thể được giải thích bằng sự bất tài, nhưng tôi không tin rằng Google là kẻ bất tài đó. Tôi nghĩ chúng đều đang được vận hành theo nhịp điệu nào đó. Chúng tôi mất người dùng sau mỗi lần oops đó. Và chúng tôi lại tiêu tốn nỗ lực và sự thất vọng cho mỗi nhịp điệu tick tock đó để sửa lỗi thay vì cải thiện sản phẩm của mình. Chúng tôi đã mắc bẫy một thời gian và đến khi chúng tôi bắt đầu nhận ra nó là gì, rất nhiều thiệt hại đã diễn ra.” Ông Nightingale cho biết.
Không phải cáo buộc lần đầu tiên
Ông Nightingale không phải người đầu tiên trong Firefox đứng ra tố cáo điều này. Vào tháng Bảy năm 2018, giám đốc kỹ thuật của Mozilla, ông Chris Peterson, đã cáo buộc Google cố tình làm chậm YouTube trên Firefox.
Ông tiết lộ rằng cả Firefox và Edge đều gặp phải tình trạng sụt giảm hiệu năng so với Chrome khi tải nội dung YouTube. Để làm được điều này, Google đã chuyển sang sử dụng một thư viện JavaScript dành cho YouTube mà họ biết nó không hỗ trợ YouTube.
Tại thời điểm này, khó có thể không tin vào lập luận của ông Nightingale. Chậm rãi nhưng chắc chắn, Google đang trở thành một Microsoft mới và Chrome đang dần dần trở thành một IE mới.
Tham khảo ZDNet
Techtalk via genk